TRANG SINH HOẠT


Chuyến đi từ thiện trên quê hương tôi

Tác giả: V.T
Thể loại: Phóng sự sinh hoạt  

     Trời tờ mờ sáng, thành phố Vũng Tàu còn im lìm trong giấc ngũ, và những cơn gió nhẹ thổi từ biển vào mang theo hơi nước làm cho tôi cảm thấy lành lạnh. Bây giờ là lúc đoàn từ thiện của chúng tôi bắt đầu khởi hành cho một chuyến đi thăm và tặng phẩm cho những cơ sở từ thiện nuôi trẻ mồ côi thuộc khu vực huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
      Cũng đã lâu rồi, hơn mười lăm năm, tôi mới có dịp trở lại Vũng Tàu. Lần nầy là một cơ duyên cho tôi được tháp tùng với đoàn từ thiện của gia đình cô Hồng L, một người bạn thân với gia đình tôi ở Virginia tiểu bang Nam Úc. Nhóm từ thiện hôm nay ngoại trừ tôi ra, những người còn lại là phật tử trong gia đình của cô L, gồm có: Như Diệu, Như Linh, Phước Phú,Diệu Hoàng, Giác Phước... Dự tính của chúng tôi là đi thăm những chùa đang nuôi trẻ mồ côi tọa lạc trong phạm vi của huyện Tân Thành.
      Địa điểm đầu tiên chúng tôi ghé thăm là chùa Bồng Lai ở ấp Phước Tấn xã Tân Hòa huyện Tân Thành. Ngôi chùa nầy được thành lập chính thức vào năm 2002, do thầy Thích Thiện Minh chủ trì. Hiện tại, ngôi chùa là nơi nuôi dưỡng 80 trẻ mồ côi, đa số những trẻ mồ côi do cha mẹ hay người thân mang đến bỏ trước cổng chùa. Thầy Thích Thiện Minh kể lại cho chúng tôi cơ duyên mà thầy thành lập ngôi chùa Bồng Lai như sau:
- Trên chuyến đi Vũng Tàu, ngang qua ấp Phước Tấn thì chiếc xe của thầy bị hư máy, trong lúc thầy dẫn xe đi tìm chỗ sửa thì thầy dừng lại bên lề nghỉ mệt, phong cảnh trước mắt yên tỉnh làm cho thầy phát sinh ý nghỉ lập ngôi chùa để tu tịnh. Giai đoạn đầu khi mới thành lập, thầy gặp nhiều khó khăn lắm, nhất là về tài chánh! Ngôi chùa đầu tiên là căn nhà đơn sơ, rồi bá tánh cúng dường xây dựng dần dần cho tới cơ ngơi bây giờ.
      Nghe thầy kể đến đây, tôi ngắt lời thầy hỏi về chuyện trẻ mồ côi:
- Cơ duyên nào để cho thầy nhận trẻ mồ côi về nuôi?
- Đó là một buổi sáng thầy phát hiện có một em bé ai đem đến bỏ trước cửa chùa, thầy bồng em bé lên và nhìn nó cười rất dể thương, thôi thì như cơ duyên cho mình và thầy nhận nuôi đứa bé từ dạo đó! Lúc ấy, đứa bé độ chừng tròn tuổi...
        Ngừng giây phút thầy kể tiếp:
- Tin tức thầy nuôi trẻ bị bỏ rơi trước cửa chùa lan truyền, và từ đó những gia đình rơi vào hoàn cảnh khắc nghiệt, họ đem con  nhờ thầy nuôi, cứ thế đến bây giờ hơn 80 đứa!
        Chúng tôi theo thầy Thiện Minh hướng dẫn đi xem nơi nuôi dưỡng và gặp mấy người làm công quả. Có những trẻ bị cha mẹ bỏ rơi khi mới vài tháng tuổi, có đứa giáp thôi nôi, có đứa lên hai, lên ba...Nhìn ánh mắt của chúng rất tội nghiệp. Tôi chợt nhớ đến một lời nào đó nói về thân phận mồ côi: Tuổi thơ đi mất trong nỗi buồn nào có hay..!
 Điểm kế đến chúng tôi phát tặng phẩm và cúng dường chùa Bửu Tích Ni Tự. Ngôi chùa dành cho nữ tu nằm ẩn mình phía sau những hàng cây cao vút. Chùa thành lập vào năm 1987, cũng là nơi nuôi dưỡng những trẻ em bị bỏ rơi trên dòng đời! Hiện tại chùa có 34 chú tiểu từ 3 tuổi trở lên, chùa không nhận trẻ em dưới 3 tuổi. Tôi được sư cô Thích Tâm Pháp, phó trụ trì giải thích về tiêu chuẩn tuổi nhận vào chùa:
- Bởi vì nhỏ hơn 3 tuổi thì trẻ em cần nhiều công săn sóc, nhưng nhà chùa không có người để làm việc nầy!
- Về tài chánh điều hành, Giáo Hội của tỉnh có tài trợ ngân khoản nào cho chùa không?
     Sư cô trả lời:
- Tài chánh điều hành phần lớn do thu nhập từ cơ sở làm nhang của chùa, thỉnh thoảng bá tánh cúng dường, nhưng thầy trò chúng tôi có nhân duyên với nhau nên cùng nhau tu tập. Mỗi người trong chúng tôi chọn hướng đi cho mình dù bất cứ chông gai thử thách nào cũng vươn lên hoàn thiện chính mình! Tuy có khó khăn về tài chánh cho mấy ni cô vào đại học, như các ni cô đang theo học đại học Phật giáo ở Huế, song le cũng vượt qua.
       Chúng tôi chào sư cô ra về, trời đã trưa và mọi người đều cảm thấy đói, chắc ghé qua chùa kế đến dùng một bửa cơm chay lấy lộc.
       Đoàn chúng tôi ghé qua thăm Từ Đàm Ni Tự, cách không xa mấy với Bửu Tích Ni Tự. Điều đặc biệt mà tôi nhận thấy là địa phận của huyện Tân Thành có rất nhiều chùa gần nhau, có phải đây là xứ đạo phật chăng?
       Từ Đàm Ni Tự là ngôi chùa có nét cổ kính, xây dựng trên nền đá cao hơn 2m, khuông viên chùa ước chừng hơn hai mẫu tây, có vườn bạch đàn phía sau và những cây cổ thụ che mát sân chùa, tạo khung cảnh tĩnh mịt làm cho khách có cảm giác trút bỏ hồng trần khi bước vào cửa chùa. Chúng tôi có duyên ăn cơm chay với chùa Từ Đàm, vì đến thăm chùa đúng vào thời điểm dùng ngọ của các sư cô trong chùa. Đây là lần đầu tiên tôi ăn cơm chùa và cũng là lần kỷ niệm nhất ăn cơm chay! Thức ăn chay tuy đơn sơ nhưng tôi ăn rất ngon miệng và  cô Việt kiều Mỹ tên Bắc cũng giống như tôi, xơi mấy chén liên tiếp.
      Chùa Từ Đàm có đông ni cô nhất trong các chùa mà chúng tôi ghé qua. Nhìn nơi phòng ăn có hơn 80 ni cô và ni sư dùng cơm Ngọ. Thăm qua các chùa nữ, tôi có nhận xét hơi trần tục một tí: Sao phái nữ chán đời trần thế hơn phái nam..?
         Điểm cuối chúng tôi ghé thăm và cúng dường là chùa Từ Ân, cũng là một chùa ni nữa! Nơi đây là trung tâm nuôi dưỡng trẻ em mồ côi. Có thể dùng từ ngữ chính xác để gọi chùa Từ Ân là: Mái ấm của những mảnh đời bất hạnh
       Như được biết trong hơn hai thập niên qua, sư cô Minh Hải trụ trì chùa Từ Ân, ở ấp Mỹ Tân, xã Mỹ Xuân, huyện Tân Thành cùng các tăng ni, phật tử giang rộng vòng tay yêu thương đón nhận nhiều mảnh đời bất hạnh của những đứa trẻ không may đầu thai nhầm thời!
      Hiện tại chùa đang nuôi trên sáu mươi em nhỏ ở mọi miền quê khác nhau, từ Nam chí Bắc: Có em ở BR-VT, em ở Lạng Sơn, Đắc Lắc, em ở Thừa Thiên-Huế, em ở Sài Gòn, miền Tây… Hầu hết các em trong độ tuổi đến trường đều được đi học. Theo sư cô Thích Nữ Minh Hải, hoàn cảnh của các em rất đáng thương và mỗi trẻ một hoàn cảnh, em thì mồ côi cha mẹ, em thì cha mẹ chia tay, em thì gia đình đông anh em và gia cảnh quá nghèo khó, có em do người mẹ nhẹ dạ ...Tất cả hoàn cảnh éo le nên các em được gửi vào chùa. 
      Trẻ em đang được nuôi dạy tại đây nhỏ tuổi nhất là 5 tháng tuổi và lớn nhất là 23 tuổi, trong đó có tới 40 em từ 5 tháng đến 6 tuổi. Chăm sóc một đứa trẻ rất vất vả, thế mà, ở đây ngoài sư cô trụ trì ra chỉ có thêm 2 người phụ giúp thường xuyên nên công việc càng hết sức vất vả. Hôm chúng tôi đến thăm chùa, sư cô Thích Nữ Minh Hải tâm sự:
- Công việc ở đây không chỉ chăm sóc, mà cô còn phải thức trắng đêm để theo dõi bệnh cho các em.Từ khi về chùa Từ Ân trụ trì vào năm 1990, sư cô Thích Nữ Minh Hải đã nhận những đứa bé bất hạnh về nuôi. Đến giờ, sư cô vẫn nhớ như in trường hợp đứa bé đầu tiên được chùa nhận về nuôi dưỡng, đó là em Nguyễn Thị Hòa Bình, lúc đó em đang độ tuổi học lớp 3, do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, nên cha mẹ phải gửi vào chùa nhờ sư cô nuôi. Thấy nhiều trẻ lang thang, ăn xin, bị bỏ rơi, tật nguyền… sư cô Minh Hải đã đứng ra nhận về nuôi thêm 10 trẻ. Sư cô tâm sự, ngày đó do chưa biết chăm trẻ, nên nhiều đêm các cháu thức giấc sư cô chỉ biết bật đèn và lấy đồ chơi cho chúng chơi cả đêm. Đến việc cho các em bú sửa, sư cô cũng lóng ngóng mãi mới làm được. Nhưng vì lòng yêu thương trẻ và coi chúng như ruột thịt, nên sư cô Thích Nữ Minh Hải đã dần vượt qua khó khăn nuôi các em khôn lớn.
      Trong những năm gần đây, nhiều bà mẹ đã bế con đến trước cửa chùa và bỏ lại. Sư cô Minh Hải kể, năm 2008, vào một buổi trưa hè, mọi người trong chùa bỗng nghe tiếng khóc trẻ con, lúc đầu cứ ngỡ tiếng khóc của trẻ con ở những nhà láng giềng. Mãi đến khi ra cổng chùa quan sát, sư cô Minh Hải thấy một bé trai khoảng 1 tháng tuổi được quấn trong khăn bông, đặt bên gốc xoài. Sư cô đã bế cháu về nuôi và đặt cháu là Lê Hữu Phước. Trường hợp của em Lê Vũ An, em bị mẹ bỏ lại dưới chân tượng phật trước cửa chùa vào giữa năm 2010, lúc đó em mới 5 tháng tuổi. Hầu hết những trẻ bị cha mẹ bỏ rơi từ khi mới lọt lòng được sư cô Minh Hải đem về nuôi và đặt những cái tên rất ý nghĩa, với mong ước các em luôn được đón nhận mọi sự tốt lành và hưởng trọn vẹn cuộc sống trẻ thơ. Đặc biệt, những đứa trẻ này đều mang họ Lê, theo họ và tên thật của sư cô Thích Nữ Minh Hải.
       Em Nguyễn Thị Dung, quê ở Đắc Lắc, cha em mất sớm một mình mẹ lăn lội nuôi 3 anh chị em Dung, trong đó chị gái của Dung bị bệnh do chất độc Da cam, gia đình lại quá nghèo, nên bữa đói bừa no. Một lần sư cô Minh Hải đến Đắc Lắc cứu trợ và thấy hoàn cảnh nhà em quá khó khăn, nên sư cô đã nhận em về nuôi dưỡng. Lúc em được nhận vào chùa được 5 tuổi, hơn 10 năm ở đây em được sự chăm sóc, dạy bảo của sư cô Minh Hải. Hiện nay, em đang học lớp 10 trường PTTH Phú Mỹ, thị trấn Phú Mỹ, huyện Tân Thành. Dung đã nhận nơi đây là ngôi nhà thứ 2, và sư cô Minh Hải là mẹ của mình. Dung kể cho tôi nghe về công ơn của sư cô :
 - Thầy con rất tận tình, thầy cũng như người mẹ của con lo cho chúng con từng bữa ăn, giấc ngủ. Nhờ sự trợ giúp của phật tử, chúng con  được ăn học đàng hoàng.
      Cảm  nhận được tình yêu thương và sự vất vả của sư cô Minh Hải, Dung cũng đã tự mình mày mò học cách chăm sóc em bé và học cách làm các dây chổi, vòng, dây đeo chìa khoá… Ngoài những giờ lên lớp em đã phụ giúp sư trụ trì chăm sóc các em và làm các đồ vật đem bán để phụ thêm thu nhập mua thức ăn cho các em ở đây. 
      Hiện nay, có đến hơn hai mươi cháu được cắp sách đến trường, mọi khoản đóng góp của các cháu cho nhà trường, nhà chùa đều lo đầy đủ không được nhà nước miễn giảm.! Đây cũng là vấn đề khó khăn cho ngân sách của nhà chùa. Sư cô Minh Hải cùng một số phật tử và các cháu lớn phải làm nhang, đồ thủ công, làm tương chao, nấu đồ chay bán để có tiền nuôi các cháu. Biết tấm lòng thơm thảo của sư cô Minh Hải, nên nhiều năm qua đã có nhiều phật tử đến quyên góp giúp nhà chùa bớt phần nào khó khăn.
       Thăm qua các chùa trong huyện Tân Thành, điều chúng tôi thắc mắc trong lòng là nhà nước CHXHCNVN không có những chính sách và quan tâm đến những trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi, trẻ bụi đời.!!! Vì dù sao, những nơi nầy cũng đã gánh vác một phần việc xã hội cho chính phủ...
       Nghe qua lời tâm tình của các sư cô, nhất là sư cô Minh Hải, chúng ta khẳng định rằng: Nhà nước CHXHCNVN không có thực sự Vì Dân, Vì Nước...Những người lãnh đạo chỉ bám lấy quyền lực để độc tài cai trị và vơ vét của công để làm giàu cho cá nhân và dòng họ.